Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Dự lễ qua đài truyền hình, có được gọi là tham dự...


Dự lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh có được coi là tham dự thánh lễ thật sự hay không?

Hỏi (chi tiết): 
37. Dự lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh có được coi là tham dự thánh lễ thật sự hay không?


Đáp: 
Thánh lễ trên đài truyền hình hoặc truyền thanh là một thánh lễ đích thật, vì được truyền trực tiếp từ một giáo xứ hay một dòng tu. Nhưng đài truyền hình và truyền thanh không truyền hết được tất cả các phần và chi tiết của thánh lễ.
Thánh lễ được truyền hình và truyền thanh có những lợi điểm nhưng cũng có những giới hạn. Các phương tiện truyền thông này giúp cho những ai (bệnh nhân chẳng hạn) không thể đi đến nhà thờ có thể cầu nguyện trong sự hiệp thông với một cộng đoàn và liên kết với toàn thể Hội thánh. Họ được nghe các bài Sách Thánh Chúa nhật và nghe bài giảng chú giải thực dụng của Lời Chúa. Vả lại, các tín hữu, nơi mà thánh lễ được truyền hình hoặc truyền thanh, cũng có ý thức trong việc lôi kéo, khuyến khích lòng thành và đạo đức của những ai đang phải sống cô quạnh để họ hiệp thông với Hội thánh qua phương tiện truyền thông.
Nhưng thánh lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh không thể thay thế việc đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Không phải việc xét dự lễ như thế có được xem như đã giữ luật buộc dự lễ ngày Chúa nhật hay chưa, bởi những người không thể di chuyển được vì do bệnh tật, do phải sống xa nhà thờ hay do thời tiết cản trở, đều không buộc phải đi lễ ngày Chúa nhật. Như thế, chúng ta không có lý do gì ngồi ở nhà, thực hiện điều mà đáng lẽ chúng ta phải làm ở nhà thờ.
Yếu tố đầu tiên của mọi bí tích, đó là cộng đoàn tín hữu đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và trong lời cầu nguyện, trong lúc nghe Lời Chúa và trong tình bác ái huynh đệ, họ cùng nhau cử hành sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô.
(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

·                                 Giáo lý

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tại Sao Buộc Đi Lễ Ngày Chúa Nhật


Tại sao buộc đi lễ ngày Chúa nhật?

Hỏi (chi tiết): 
40. Tại sao buộc đi lễ ngày Chúa nhật?


Đáp: 
Ngày nay, nhiều tín hữu nhiệt thành không thích kiểu nói “buộc đi lễ ngày Chúa nhật”. Họ khó chấp nhận việc dâng lễ ngày Chúa nhật như là một bổn phận phải giữ! Thật vậy, người ta thường nói đến Kitô giáo với những bổn phận phải chu toàn.
Những kiểu nói “luật buộc”, “bổn phận” đúng ra nên được hiểu như là những dấu hiệu báo động: chúng không chỉ định một lý tưởng phải vươn tới, nhưng chỉ là một nhắc nhở lòng trung thành cần phải giữ và phát triển.
Khi đức tin sống động, thì không cần phải nói đến việc buộc giữ ngày Chúa nhật. Nếu yêu mến Chúa Kitô thì chúng ta không thể không đáp lại lời mời gọi của Người. Khi đang đói và được người ta dọn một bữa ăn thịnh soạn, hỏi rằng chúng ta có thực sự bị bắt buộc ăn hay không? Nếu chúng ta khao khát hạnh phúc và bình an, thì chỉ có Chúa Kitô mới có thể làm cho chúng ta thỏa lòng. Vậy có bị bắt buộc phải tiếp đón Chúa Kitô khi Người mời gọi chúng ta đến dự tiệc Thánh Thể của Người không? Tham dự thánh lễ không phải là dịp để chúng ta lấy lại sức cho đời sống thường nhật của chúng ta hay sao?
Trước câu hỏi: “Có buộc đi lễ các ngày Chúa nhật hay không?”, câu trả lời sẽ là “có” cho những ai không mắc ngăn trở thật sự để đến tham dự thánh lễ.
Vả lại, Giáo hội khuyên nhủ các tín hữu cử hành thánh lễ hằng ngày. Tham dự thánh lễ mỗi ngày là thông phần hoàn toàn với hành vi phụng vụ của Giáo hội để dâng lên bàn thờ tất cả đời sống và lịch sử của con người. Đối với các tín hữu có thể đi nhà thờ được, thánh lễ hằng ngày đặt sự phục sinh của Chúa Kitô ngay giữa các hoạt động trong ngày của họ: nghề nghiệp, gia đình, xã hội, v.v...
Trong mối quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa, khi chúng ta bắt đầu tính toán để khỏi làm hơn bổn phận đòi hỏi, làm vừa vặn cho đúng luật buộc, khi chúng ta cố “mặc cả” về điều “được phép” và “điều cấm đoán” để tìm ra những điều dễ làm hơn, khi chúng ta muốn tìm ơn cứu rỗi “rẻ tiền”, thì lúc đó chúng ta nên xét lại tình trạng sức khỏe đức tin của chúng ta !
(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

·                                 Giáo lý